Báo chí phải đa dạng các nguồn thu, không nên chỉ chờ vào quảng cáo
18/06/2024Không chỉ dẫn dắt báo chí trong chuyển đổi số mà quan trọng hơn, công nghệ còn thúc đẩy đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí.
Tại hội thảo “Công nghệ thúc đẩy đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí”, ông Lê Quốc Minh – Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, công nghệ thúc đẩy các cơ quan báo chí đổi mới sáng tạo, tạo thêm mô hình kinh doanh và sản phẩm mới mang lại nguồn thu cho báo chí.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, ứng dụng công nghệ không phải là vấn đề quá lớn đối với các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, qua làm việc tại một số địa phương, các cơ quan báo chí vẫn còn quan niệm cho rằng, đầu tư cho công nghệ cần kinh phí lớn. Ông Lê Quốc Minh cho rằng, đây là công việc “liệu cơm gắp mắm”, tuỳ thuộc vào nguồn lực đang có để tìm phương án đầu tư phù hợp; những cơ quan báo chí lớn, có tiềm lực kinh tế đã thực hiện chuyển đổi số báo chí hiệu quả hơn những nơi nguồn lực hạn chế.
Ông Lê Quốc Minh – Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Ông Lê Quốc Minh dẫn thành công của một số tờ báo địa phương như điển hình trong việc mạnh dạn đi đúng hướng trong ứng dụng công nghệ thu hút người xem, thu hút quảng cáo tạo nguồn thu. Chẳng hạn, báo Đắk Nông – tờ báo Đảng tại địa phương không có nhiều điều kiện kinh tế tốt, nhân sự không nhiều nhưng trong thời gian qua, sau khi ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, báo Đắk Nông đã thu hút lượng lớn độc giả. Nhiều tuần, lượng truy cập của tờ báo đạt mức cao nhất trong hệ thống báo Đảng.
Từ góc độ cơ quan quản lý, bà Đặng Thị Phương Thảo – Cục phó Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí hiện nay, nhiều trang tin điện tử mới dừng lại ở công nghệ web 1.0, không nhiều cơ quan báo chí đã lên công nghệ web 2.0 cho phép đọc, viết báo trên nền tảng và lưu giữ một phần thông tin của người đọc. Chúng ta cũng chưa có công cụ đánh giá, đo quét và các số liệu liên quan đến báo chí mà phụ thuộc vào các nền tảng xuyên biên giới.
Chuyển đổi số báo chí phụ thuộc rất nhiều vào tư duy, nhận thức của người đứng đầu trong việc lựa chọn xu hướng phát triển của tờ báo trong tương lai cũng như đầu tư cơ sở vật chất. Trên thực tế, theo bà Đặng Thị Phương Thảo, nhận thức của người đứng đầu các cơ quan báo chí và lãnh đạo cơ quan chủ quản về chuyển đổi số báo chí còn hạn chế. Có khoảng 20% các cơ quan báo chí được cơ quan chủ quản quan tâm hỗ trợ và có chiến lược chuyển đổi số báo chí.
Trong khi đó, theo ông Trần Tiến Duẩn – Tổng Biên tập báo điện tử VietnamPlus, Hiệp hội Báo chí và các nhà xuất bản Tin tức thế giới WAN-IFRA đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các báo cáo thường niên, đặc biệt là sau giai đoạn đại dịch quan điểm: không chỉ dẫn dắt báo chí trong chuyển đổi số mà quan trọng hơn, công nghệ còn thúc đẩy đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí.
Trong báo cáo xu hướng 2024, WAN-IFRA cho biết, bên cạnh hai nguồn thu truyền thống là quảng cáo và lợi nhuận từ độc giả, các nhà xuất bản tin tức toàn cầu mong đợi 20% tổng doanh thu sẽ đến từ các nguồn thu mới thông qua các hoạt động tổ chức sự kiện, gọi vốn đầu tư, đối tác của các nền tảng số, thương mại điện tử, tiếp thị liên kết hay kinh doanh dữ liệu…
Hầu hết các nguồn thu mới trên đều là hiệu ứng của chuyển đổi số. Hay nói cách khác, chuyển đổi số đã giúp nhiều cơ quan báo chí khai phá được những vùng đất mới, có thể chưa màu mỡ như mong đợi, nhưng cho thấy thực sự có tiềm năng.
Bạn đọc trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tăng cường hỗ trợ cơ quan báo chí nâng cao chất lượng tin tức đa phương tiện
Còn tại Việt Nam, theo khảo sát quy mô lớn nhất từ trước tới nay mới được Hội Nhà báo Việt Nam công bố, 3 nguồn thu chính của các cơ quan báo chí vẫn là các mô hình truyền thống, bao gồm: quảng cáo trên báo in, ngân sách nhà nước, hợp đồng truyền thông… Còn lại, những nguồn thu mà báo chí thế giới đang đẩy mạnh thì vẫn chưa được nhiều tòa soạn ở Việt Nam triển khai, doanh thu còn khá thấp, thậm chí thu phí đọc báo điện tử chưa đạt như kỳ vọng.
Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến 2025, tầm nhìn 2030 được Chính phủ ban hành được kỳ vọng đã mở lối cho các tòa soạn với định hướng giúp các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu bằng việc chuyển sang những mô hình kinh doanh mới theo hướng báo chí số.
Để thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, Cục phó Cục Báo chí Đặng Thị Phương Thảo cho rằng, bên cạnh việc nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy lãnh đạo, cần thúc đẩy liên kết 3 “nhà”: các cơ quan báo chí – doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ và các doanh nghiệp. Khi các cơ quan báo chí tìm kiếm và kết nối đối tác công nghệ tin cậy để cùng nhau thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thành công sẽ thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp nhiều hơn trong việc lựa chọn để quảng cáo, tài trợ sự kiện…
Nguồn: diendandoanhnghiep